NẤM BÔNG GÒN & NHỮNG CÂU HỎI CHƯA LỜI ĐÁP
Cuối năm 2014, người dân tỉnh Long An xôn xao bàn tán về việc nông dân rủ nhau trồng nấm bằng bông gòn phế thải thay cho trồng nấm bằng rơm để tăng thu nhập gia đình. “Thấy nhiều hộ dân nhập bông gòn phế thải về làm nấm, những ngày đầu, bà con chung xóm sợ mất vệ sinh.Đến khi các hộ trồng nấm trấn an, người dân yên tâm phần nào. Nhưng khi đến ngày thu hoạch, tận mắt nhìn thấy nấm không chỉ mọc trên dòng bông gòn mà còn mọc, phát triển một cách lạ thường ngay cả dưới đất, hầu như ai cũng e ngại”, bác T.N, người dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết.Quy Trình làm nấm bông gòn ...nhẹ như bông gòn
Thông qua người quen giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình anh N.V.T - một trong những hộ chuyển từ trồng nấm rơm sang trồng nấm bông gòn phế thải trên địa bàn tỉnh Long An. Dẫn chúng tôi đi tham quan những dòng nấm chuẩn bị thu hoạch và cả những dòng nấm mới bắt đầu xuống giống, anh nói: “Làm nấm gòn sướng lắm, không cần mắc công đi đâu, chỉ cần gọi điện thoại là người ta đem bông gòn xuống tận nơi, muốn mấy tấn cũng có”.
Hỏi anh, “muốn bao nhiêu cũng có, mọi người không thắc mắc bông gòn có nguồn gốc từ đâu?”, anh thẳng thắn trả lời: “Chuyện đó với những người trồng nấm như chúng tôi không quan trọng. Đã nói là bông gòn phế thải rồi thì làm sao mà sạch như bông gòn chưa qua sử dụng được”.
Diêm hỗn hợp (ure, NPK) không chỉ trộn trong bông gòn, meo nấm mà còn được rải trực tiếp trên mắt đất - Ảnh: K.V
Tại nơi nhân công đang xuống nấm, anh thiệt thà chia sẻ kỹ thuật trồng nấm bông gòn: “Đầu tiên là phải làm đất, dọn cỏ thật sạch. Lý do phải dọn sạch cỏ vì, nấm sẽ mọc cả trên dòng bông gòn , lẫn dưới đất. Khi dọn sạch đất, cỏ rồi, lượng bông gòn ngâm nước ủ với meo nấm; cộng với phân hỗn hợp NPK, phân urê (nhiều hay ít tùy mỗi người); thêm chất dinh dưỡng (có người dùng, có người không - dùng thì nấm cho năng suất cao hơn không dùng) sẽ cho vào cái khuôn hình chữ nhật chiều dài khoảng 0,5 mét, ngang khoảng 1 gang tay để định hình.
Sau khi định hình dòng nấm, quan trọng không được quên đó là rải đều thêm một lượng diêm lấp đều phần đất trống giữa các dòng nấm. Cuối cùng, dùng bao bố đậy dòng nấm lại. Hàng ngày, chỉ cần tưới nước, rải diêm đầy đủ, một tuần sau nấm sẽ nảy mầm và có thể thu hoạch 5 ngày sau đó”.
Nếu như chưa chứng kiến cảnh làm nấm, rồi thấy nấm lên đến lúc thu hoạch, chúng tôi sẽ rất khó tin khi nấm không chỉ mọc trên những dòng bông gòn mà mọc tràn lan dưới đất. Thắc mắc, nấm bông gòn thì phải mọc trên dòng bông gòn, sao mọc được dưới đất? Chủ làm nấm giải thích: “Do lúc tưới nước, meo nấm trên dòng bông gòn sẽ chảy xuống đất. Gặp nước, chất dinh dưỡng tưới hàng ngày, không cần gòn hay rơm rạ, nấm vẫn mọc và phát triển bình thường ngay dưới đất. Trồng nấm bông gòn lời gấp đôi nấm rơm là ở chỗ này”.
Đặt câu hỏi: Vậy thì trồng nấm hẳn dưới đất, khỏi cần trồng trên bông gòn cho đỡ tốn chi phí mua bông gòn? Anh nói: “Gòn chỉ là giữ nước, cho tưới không hao nước thôi. Chứ bông gòn không có chất dinh dưỡng như trên rơm rạ thì lấy gì mà nấm phát triển. Nấm mọc trên rơm thì hút chất dinh dưỡng từ rơm; còn trồng trên bông gòn thì hút diêm phân, chất dinh dưỡng mình tưới hàng ngày”.
Người trồng nấm bông gòn không dám ăn
Giá nấm bông gòn thương lái thu mua thường bằng giá với nấm rơm hoặc chênh lệch khoảng mười, hai mươi ngàn/ký. Bỏ công ít, nhưng lời nhiều, điều này đang kéo không ít hộ dân bỏ trồng rau, đầu tư trồng nấm bông gòn, thậm chí có người còn thuê đất để làm. Nhưng điều nghịch lý là, người trồng không dám ăn, người trong vùng biết nguồn gốc nấm cũng không dám ăn.
Hỏi vì sao không dám ăn nhưng lại trồng, đa số đều bảo: “Nấm bông gòn ăn không ngon nhưng lợi nhuận đem lại thì rất cao”. Nhoẻn miệng cười, một chủ hộ còn cho biết: “Từ ngày làm nấm bông gòn tôi ăn ngon, ngủ yên. Làm nấm rơm thì còn nơm nớp lo sợ nấm không lên, thất thu chứ còn làm nấm bông gòn thì không sợ chi cả - chỉ sợ người ta không mua thôi. Nhưng, bán trong xóm không được chứ bán cho thương lái đi bỏ mối chợ đầu mối, chợ lớn thì có bao nhiêu người ta cũng lấy tuốt”.
Với thương lái, người trồng nấm, chỉ cần nhìn sơ qua là phân biệt được đâu là nấm bông gòn , đâu là nấm rơm. Nhưng với người tiêu dùng thì khó phân biệt. Bởi, nấm rơm hay nấm bông gòn thì khi cho ra thị trường, bán lẻ ở các chợ hầu như đều được gọt gốc sạch sẽ.
Thầy T.Đ, trụ trì chùa Phước Bửu, tỉnh Long An chia sẻ: “Trước đây có nhiều hộ gia đình Phật tử hay mua nấm bông gòn đến chùa cúng dường. Lúc nấu ăn liền, không để ý nên không thấy điều lạ, chỉ thắc mắc là sao nấm không ngọt. Đến lúc Phật tử đem đến cúng nấm nhiều, ăn không hết, mấy cô nấu bếp đem nấm sơ chế, để tủ lạnh thì phát hiện nấm gòn ra nước nhiều, teo lại rất nhanh; mùi nhẫn nhẫn. Kể từ đó chùa hạn chế dùng nấm, kể cả nấm rơm mua ngoài chợ vì sợ nhầm lẫn với nấm bông gòn”.
“Có thể nhận biết được nấm bông gòn nếu chúng ta để ý kỹ khi nấm đã qua chế biến. Nấm bông gòn khi xào sẽ cho ra nhiều nước hơn nấm rơm; tai nấm bông gòn thì xốp xộp, mềm chứ không chắc, đặc ruột như nấm rơm”, chú H, nhiều lần thử dùng qua nấm bông gòn cho biết.
Thực tế, tại nơi trồng nấm bông gòn, khi bắt gặp những tai nấm bị hư, héo khô mà chủ vườn nấm gom lại một gốc, dù đã khô nhưng mùi của những tai nấm này cũng rất khó chịu. Thế nên, việc người dân e dè dùng nấm bông gòn là điều không phải không có cơ sở.
Cần câu trả lời xác đáng từ cơ quan chức năng
Xuất hiện trên thị trường cách đây vài năm, không chỉ riêng ở tỉnh Long An mà hiện nay, trên cổng thông tin, nhiều nơi đăng tải về mô hình trồng nấm bông gòn thay thế rơm đem lại năng suất cao, nông dân thoát nghèo nhờ trồng nấm bông gòn... như một thông điệp khuyến khích nông dân trồng loại nấm này.
Sau 12 ngày xuống giống, nấm mọc cả trên dòng bông gòn lẫn dưới đất - Ảnh: K.V
Thế nhưng, điều đáng lo lắng là chưa một cơ quan chức năng nào cho người dân biết: ăn nấm trồng bằng bông gòn phế thải; nấm lớn lên nhờ hút diêm phân hóa học chứ không phải nhờ chất dinh dưỡng tự nhiên thì có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không? Chỉ biết rằng, mỗi khi có ai đó có “tin đồn xấu” về nấm bông gòn, người trồng nấm bông gòn thường lý giải: thấy mình làm ăn được, người ta ganh ghét nên phao tin phá hoại.
Sau 12 ngày xuống giống, nấm mọc cả trên dòng bông gòn lẫn dưới đất - Ảnh: K.V
Câu chuyện về nấm bông gòn làm cho nhiều người liên tưởng đến sự việc xảy ra vào năm 2013 - khi tin trái cây Trung Quốc để cả tháng không hư có hại cho sức khỏe người dùng lan truyền, ông Dương Ngọc Thí, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã trấn an: “Người dân nên căn cứ vào kết luận về mặt khoa học dựa trên việc lấy mẫu kiểm tra phân tích của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ thực vật và các cơ quan kiểm soát chất lượng ở biên giới, chứ không nên nghe theo tin đồn một cách thụ động”. Kết quả là sau khi lấy mẫu xét nghiệm, lê Trung Quốc có chất gây vô sinh; táo Trung Quốc nhiễm độc; nho Trung Quốc hóa chất vượt ngưỡng 3,5 lần...
Không thể để người dân cứ mãi luẩn quẩn đặt câu hỏi “ăn nấm bông gòn tưới bằng diêm, phân hóa học có hại cho sức khỏe hay không” rồi tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách… không dùng. Sự an toàn sức khỏe của người dân phó thác vào đâu? Rất cần sự vào cuộc và câu trả lời xác đáng trong thời gian ngắn nhất từ cơ quan chức năng! (st)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét